Nhận xét Bách nhật duy tân

Nhà sử học Will Durant viết:

...Nhật Bản thình lình tấn công Trung Quốc, thắng, sau đó đất đại, chủ quyền lần lượt lọt vào tay các cường quốc châu Âu, nên tại kinh đô nổi lên một phong trào dân chúng mạnh mẽ muốn noi gương Nhật Bản học hỏi Âu Tây, tổ chức một đạo quân mạnh,...Tóm lại là rán đạt được sức mạnh về kỹ nghệ, mà nhờ đó Nhật Bản và châu Âu đã phú cường…Tuy Từ Hi thái hậu và các cận thần của bà cực lực chống đối phong trào ấy (duy tân), nhưng nó vẫn ngầm lôi cuốn được ông vua trẻ là Quang Tự. Rồi đột nhiên, nhà vua không hỏi ý kiến "Phật bà" (Từ Hi), ban hành một loạt lệnh sắc táo bạo. Nếu những sắc lệnh này thực hành được thì Trung Hoa đã yên ổn nhảy một bước lớn lao theo con đường Âu hóa, nhà Thanh không bị sụp đổ, mà Trung Hoa cũng không bị khốn cùng[6].

Trong sách Trung Quốc Lịch sử thế giới cận đại, có đoạn:

Quang Tự tuy làm vua nhưng chỉ hư vị, thực quyền đều nằm trong tay Từ Hi thái hậu. Năm 1889, Quang Tự 18 tuổi, Từ Hi muốn tránh dư luận về việc chiếm quyền, nên ban quy định là các đại thần "tâu vua trước, báo cho thái hậu sau". Nhưng thực tế vẫn như cũ, Quang Tự chỉ là bù nhìn.Vua Quang Tự, trước nguy cơ của dân tộc đã tán thành cải cách, đồng thời cũng muốn thông qua đó để giành lại quyền lực về cho mình. Nhưng họ không có thực quyền về chính trị, không nắm quân đội, lại không dựa vào nhân dân, nên lực lượng rất yếu ớt. Ngoài ra, trong phái Duy tân còn có một số quan lại cơ hội tham gia. Nên khi phái Duy tân bị tấn công, họ liền trở mặt tố giác. Điều này càng làm cho công đấu tranh thêm khó khăn, phức tạp...[7]

Mặc dù cuộc cải cách chỉ diễn ra có trăm ngày, nhưng đã làm thay đổi ít nhiều nhận thức của sĩ phu và nhân dân Trung Quốc. Cho nên, theo Nguyễn Hiến Lê, thì sau hòa ước nhục nhã Tân Sửu (1901), để mua chuộc lại lòng người, Từ Hi cho thực hành lại hết những sắc lịnh biến pháp mà Hoàng đế Quang Tự đã ban ra, và lập thêm nhiều cơ quan mới để lo các việc học, huấn luyện tân binh, chấn hưng nông-công- thương,...[8]

Ngoài ra, tư tưởng cách tân của cuộc vận động này còn ảnh hưởng sâu rộng đến tầng lớp sĩ phu tiến bộ của một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Các nhà chí sĩ Việt Nam ở đầu thế kỷ 20, vì chịu ảnh hưởng của cuộc biến pháp Mậu Tuất cùng sách vở do nhóm khởi xướng biên soạn (nổi bật nhất là Khang - Lương), mà lập ra Duy Tân hội (1904) và phong trào Duy Tân (1906).